1. Home
  2. /
  3. Dinh dưỡng
  4. /
  5. Thịt đỏ có tốt không? Liệu có gây ung thư?

Thịt đỏ có tốt không? Liệu có gây ung thư?

Thịt đỏ là những loại thịt thường có màu đỏ khi sống. Thịt này có chứa nhiều sắt nên mới có màu như vậy. 

Ví dụ phổ biến của thịt đỏ như thịt lợn hay thịt bò. 

Bạn nghe nói tới thịt đỏ không tốt không cho sức khỏe. Bạn đang có ý định cắt giảm thịt đỏ. 

Thậm chí loại bỏ thịt đỏ ra khỏi chế độ ăn và chuyển sang thịt trắng như thịt gà, cá.

Vậy thực hư thịt đỏ liệu có tốt không? Có gây ung thư như đồn thổi hay không?  

Chúng ta hãy cùng phân tích trong bài viết ngày hôm nay nhé. 

thịt đỏ có tốt không

Thịt đỏ chúng ta ăn ngày nay khác với thịt đỏ ngày xưa

Gần đây, mình có đọc cuốn sách Ăn gì cho không độc hại của chị Phan Lê. Một cuốn sách khá hay về dinh dưỡng. 

Sách đã giúp mình mở mang rất nhiều kiến thức về dinh dưỡng. Nhờ cuốn sách này có những thứ về dinh dưỡng trước kia nghĩ là đúng hóa ra sai bét. 

Mình khuyên bạn nên đọc cuốn sách này để hiểu đúng về các thông tin dinh dưỡng đang tràn lan hiện nay. 

Quay trở lại chủ đề thịt đỏ: 

Theo cuốn sách của Phan Lê, loài người chúng ta là loài ăn tạp. Giải phẫu cơ thể của chúng ta thích hợp với việc ăn tạp. 

Trong suốt chiều dài tiến hóa, tổ tiên chúng ta đã ăn thịt. Hệ tiêu hóa chúng ta hoàn toàn phù hợp với việc này. 

Có những tộc người như người Masai họ ăn rất nhiều thịt mà khỏe như vâm. (1)

Chỉ khi ngành công nghiệp chăn nuôi phát triển, lúc này chúng ta mới mắc đủ thứ bệnh. Và người ta tìm cách đổ lỗi cho thịt. 

Tuy nhiên, thịt mà chúng ta đang ăn làm sao giống với thịt trong quá khứ. 

Trước kia, các con vật được chăn thả tự do. Chúng ăn cỏ, sâu bọ. Nói chung là những thực ăn tự nhiên phù hợp với giải phẫu cơ thể của chúng. 

Ví dụ như bò cỏ mới chính là thực ăn phù hợp nhất với chúng chứ không phải ngũ cốc. 

Còn bây giờ thì sao? 

Dân số chúng ta ngày đông đúc. Để đáp ứng nhu cầu thịt, ngành chăn nuôi đã tìm mọi cách tăng sản lượng. 

Các con vật bắt đầu được nuôi trong chuồng trại với mật độ cao. Chúng sống theo kiểu có người cơm bưng nước rót đến tận miệng. 

Đồ ăn của chúng toàn là đồ ăn công nghiệp. Loại đồ ăn làm cho chúng ta lớn nhanh nhất có thể. 

Như Phan Lê đã nói: 

Đồ ăn này có khả năng chứa nhiều loại ngũ cốc trồng cũng theo phương pháp công nghiệp. Tức là dùng thuốc trừ sâu và các loại giống biến đổi gen. 

Chưa kể trong quá trình chăn nuôi công nghiệp, chúng ta còn táng cho các loại động vật này vô số các loại hormone tăng trưởng, thuốc kháng sinh các kiểu. 

Rõ ràng thịt đỏ của bọn ăn cỏ, nuôi theo hướng tự nhiên khác xa với bọn nuôi theo công nghiệp. 

Ví dụ như thịt bò ăn cỏ có chứa nhiều dinh dưỡng hơn thịt bò nuôi bằng ngũ cốc. Cụ thể chứa nhiều hơn omega -3, axit béo CLA và lượng lớn vitamin A, E. (2, 3)

Thịt đỏ có gây ung thư, bệnh tim, tiểu đường hay không? 

Có nhiều nghiên cứu cho thấy thịt đỏ làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, ung thư và tử vong (4)

Thông tin kiểu này gặp nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nó khiến cho người đọc hoang mang, giật mình. 

Tuy nhiên, nếu bạn bình tâm đọc kỹ hơn, bạn sẽ thấy đó là những nghiên cứu quan sát (observational study)

Nghiên cứu quan sát không bao giờ cho ra nguyên nhân và kết quả. Nó chỉ đưa ra giả thuyết mà thôi. 

Từ các nghiên cứu này, chúng ta cũng rút ra được một vài thứ hay ho. 

Ở đây, bạn cần phân biệt giữa thịt đỏ chưa xử lý và thịt đỏ đã chế biến. 

Thịt đỏ chưa xử lý hay chính là thịt sống bạn mua về để chế biến các món hàng ngày. 

Còn loại đã chế biến ví dụ như xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội, thịt muối. 

Các nghiên cứu cho thấy dùng mấy loại thịt đã qua chế biến này mới làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, tiểu đường hay tử vong. (5)

Một nghiên cứu kiểm soát (controlled study - loại nghiên cứu chất lượng nhất trong dinh dưỡng) còn cho thấy ăn một nửa khẩu phần hoặc nhiều hơn thịt đỏ chưa xử lý hàng ngày chẳng tác động gì tới các yếu tố gây bệnh tim như mỡ máu và huyết áp (6)

Cách nấu thịt cũng là vấn đề

Nấu thịt đỏ không đúng cách cũng ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của bạn. 

Khi thịt nấu ở nhiệt độ cao, nó sẽ sản sinh ra nhiều chất có hại như heterocyclic amines (HAs), polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs) và advanced glycation end-products (AGEs). 

Những chất này có thể gây ra ung thư. 

Do vậy, nếu nói thịt có thể gây ra ung thư, đây có thể là lý do cho giả thuyết này. 

Ở đây, có một vài mẹo nấu nướng giúp hạn chế các chất độc hai trên: 

  • Sử dụng các cách nấu nướng nhẹ nhàng như hầm, hấp, luộc thay vì nướng hay chiên. Cố gắng tránh cho thịt tiếp xúc trực tiếp với lửa. 
  • Đừng ăn những phần thịt đã cháy xém. Đứng tiếc rẻ làm gì, cứ cắt bỏ đi. 
  • Ướp thịt với tỏi, rượu vang, nước chanh hay dầu oliu, cũng là cách giảm chất HAs. 
  • Nếu bạn phải chế biến thịt ở nhiệt độ cao, hãy nhớ lật thường xuyên để đỡ cháy thịt. Ngại phải canh bếp, hãy dùng lò nướng hay nồi chiên không dầu cho nhanh. Nhớ thiết lập và thời gian cho chuẩn. 

Mình biết thịt nướng là món ăn mà ai cũng thích. Từ người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu bạn muốn nhận nhiều lợi ích từ thịt đỏ, hãy tiết chế một chút. 

Cực đoan thì bỏ luôn. Còn không thỉnh thoảng ăn thịt nướng cũng không chẳng chết ai. 

Bao nhiêu thịt đỏ nên ăn mỗi ngày?

Ngay cả khi bạn đã còn nguồn thịt sạch, chế biến đúng cách, bạn cũng không thể ăn quá đà thịt đỏ. 

Xét cho cùng cái gì tốt mà ăn quá nhiều cũng thành xấu. 

Còn về con số cụ thể:

Có nhiều thông tin ngoài kia. Mình có đọc được trên ủy ban ung thư của Úc, họ khuyên một tuần không ăn nhiều hơn 700g thịt đỏ. 

Trang NHS còn đưa con số còn thấp hơn. Họ khuyên mọi người không nên ăn nhiều hơn 500g thịt đỏ một tuần (tức là khoảng 70g một ngày). 

Nếu áp con số bọn Tây vào cách ăn ở Việt Nam mới thấy dân mình đang có xu hướng ăn nhiều thịt đỏ.

Lời kết

Thịt đỏ là loại thịt giàu dinh dưỡng. Nó chứa nhiều protein, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa. 

Vấn đề ở đây chỉ là thịt đỏ lấy từ đâu, cách chế biến ra sao? 

Thịt đỏ từ động vật chăn thả và ăn theo kiểu tự nhiên ngon hơn là loại nuôi công nghiệp. Tất nhiên những ai ở thành phố cũng khó chọn được thịt này. 

Trong trường hợp này, hãy cố gắng chọn loại thịt có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có kiểm dịch cũng chấp nhận được. 

Thứ hai, khi chế biến thịt hạn chế nấu ở nhiệt độ cao để hạn chế sản sinh các chất độc hại. 

Đó là tất cả về thịt đỏ. Đừng quên chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hữu ích.

Đọc thêm:

Thịt tốt hay xấu? Cách sử dụng thịt tốt cho sức khỏe?